ĐỀ 32: Tục ngữ Pháp có câu: “Tiền bạc là người đầy tớ trung thành
và là người chủ xấu”. Anh/ chị suy nghĩ gì về câu nói này?
BÀI LÀM
Sống ở đời có
biết bao người trọng tình nghĩa, xem tiền bạc là vật chất ngoài thân, là công
cụ tầm thường. Tuy nhiên không ai phủ nhận vai trò của tiền bạc. Từ khi xuất
hiện nó được xem là vật ngang giá chung, mang lại nhiều thuận lợi cho việc mua
bán, trao đổi. Nó thúc đẩy kinh tế, thúc đẩy ngoại thương của một quốc gia phát
triển. Nhưng cũng chính bởi vai trò to lớn ấy mà trong xã hội có nhiều kẻ bị
cuốn hút vì tiền mà sẵn sàng chà đạp lên tất cả; tình thương, trách nhiệm,… Khái
quát về vai trò, vị trí của đồng tiền trong xã hội, tục ngữ Pháp có câu: “Tiền bạc là người đầy tớ trung thành và là
người chủ xấu”.
Câu tục ngữ trên
đúng với mọi người ở mọi thời đại, đặc biết là trong thời kì cơ chế thị trường
hiện nay. Theo nghĩa thôngg thường “tớ” là người hầu hạ, phục dịch, “chủ” là
người nắm quyền, điều khiển, sai khiến. Khi “tiền bạc là người tớ tốt” chính là
lúc con người làm chủ được đồng tiền, sử dụng nó vào mục đích tốt. Còn lúc đồng
tiền lên làm chủ thì con người bị điều khiển, bị chi phối bởi đồng tiền. Qua
vài chữ tuy rất ngắn nhưng câu tục ngữ mang ý nghĩa thật sâu sắc. Nó khuyên răn
con người phải biết làm chủ, không nên bị nô lệ bởi đồng tiền. Trong bất kì xã
hội nào, đồng tiền cũng có một giá trị to lớn. Nó giúp con người thuận lợi
trong trao đổi mua bán hàng ngày. Thử lật lại lịch sử, nếu không có sự xuất
hiện của đồng tiền thì xã hội sẽ không được phát triển như ngày hôm nay và không
ai có thể tưởng tượng ra cảnh mua bán sẽ diễn ra như thế nào? Chính bởi giá trị
to lớn của đồng tiền trong cuộc sống như thế nên hằng ngày có biết bao con
người làm việc cật lực, thậm chí bất chấp nguy hiểm để kiếm ra tiền. Có thể vì
cuộc sống mưu sinh của gia đình, thương những đứa con gầy đói, rách rưới mà bác
nông dân vất vả một nắng hai sương trên cánh đồng. Có thể vì muốn thoát nghèo,
hướng đến tương lai tốt đẹp hơn mà bao nhiêu học sinh nỗ lực, thức khuya dạy
sớm, ngày đêm học tập. Và có thể trong tâm thức của họ vẫn văng vẳng lời căn
dặn giản dị của người cha: “Nghề nông mình khổ lắm con à! Chỉ có con đường học
tập mới giúp con thoát khỏi cái nghèo truyền kiếp mà đời ông, đời cha, đời chú
phải gánh chịu…”. Ngoài ra, đơn giản chỉ vì họ quan niệm “có tiền là có tất cả”
mà họ bỏ công sức ra lao động.
Nếu không có giá
trị lớn thì đồng tiền không cần phải được bảo quản cẩn thận. Và chắc chắn các
ngân hàng cũng không cần bảo vệ canh giữ. Nhưng không phải vì có giá trị mà đồng
tiền luôn mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Tùy vào mỗi cá nhân sử
dụng mà đồng tiền tốt hay xấu. Nó chỉ thật sự đúng là “đồng tiền” khi ở trong
tay một con người cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Hay nói cách khác, nó
chỉ là nó theo đúng nghĩa khi nó là đầy tớ cho một người tốt. Đồng tiền giúp
con người trang trải cuộc sống mưu sinh hàng ngày cho gia đình. Trong mọi xã
hội, đặc biệt trong cơ chế thị trường hiện nay, đồng tiền càng có vai trò to
lớn, dù biết rằng đồng tiền chỉ là công cụ mưu sinh giúp con người thỏa mãn nhu
cầu vật chất lẫn tinh thần.
Tiền bạc đôi khi
còn là con số đại diện cho tấm lòng cao cả, cho mục đích tương thân tương ái.
Hằng năm con người phải gánh chịu bao nhiêu thiên tai: lũ lụt, hạn hán, núi lửa,
động đất, sóng thần,… Nếu trong lúc khó khăn ấy không có đồng tiền trợ giúp,
ủng hộ thì chắc chắn ít ai sống nổi. Ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân làm từ
thiện xuất hiện chính là để đưa đồng tiền tương thân tương ái của đồng bào mình
đến tay những con người thực sự cần đến nó. Những đồng vốn hỗ trợ cho vay ấy đã
giúp bao người dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Những đứa
trẻ nghèo mạnh dạn bước chân đến trường, những cô cậu sinh viên tự tin hơn
trong giảng đường đại học bởi họ được các tổ chức, cơ quan nhà nước giúp đỡ,
tạo điều kiện. Có tiền con người ta mới có đủ điều kiện đảm bảo cuộc sống của
con người về vật chất lẫn tinh thần. Dùng tiền đúng lúc, đúng chỗ cho những mục đích tốt đẹp thì nó thật sự là
người tớ tốt. Nó phục vụ cho con người, mang lại hạnh phúc cho cá nhân, gia
đình, tạo hòa bình, ổn định cho cộng đồng, xã hội. Như vậy vai trò của đồng tiền
trong cuộc sống là không thể phủ nhận.
Nhưng cũng chính
vì sức mạnh to lớn trong đời sống mà đồng tiền đã tạo ra một ma lực đáng sợ đối
với con người, đặc biệt với những kẻ tham lam. Nhiều người lười lao động, lại còn
tham lam, sẵn sàng làm mọi việc phi pháp để kiếm được số tiền lớn một cách
nhanh nhất. Nào là trộm cắp, buôn lậu, mại dâm, ma túy,… chúng không từ một
hành vi nào. Vì đồng tiền, chúng nhẫn tâm gieo rắc bao cái chết trắng cho nhân
loại. “Máu tham hễ thấy hơi đồng tiền là mê” đã gây dựng ở kẻ tham thói ích kỉ “khổng
lồ” và lòng nhẫn tâm “vô độ”, biến con người thành kẻ bất lương.
Những kẻ rủng
rỉnh túi tiền thì ăn chơi đua đòi, làm phát sinh bao tệ nạn xã hội. Ngày xưa
thì quan trên, quan dưới; quan cha, quan con ăn chơi sa đọa, làm càn làm bậy.
Ngày nay những cậu ấm cô chiêu được nâng niu, chiều chuộng đâm ra hư hỏng. Từ
những cuộc tụ tập bạn bè thâu đêm suốt sáng đến ma túy, thuốc lắc, đua xe, quậy
phá là khoảng thời gian ngắn nhất, không ai có thể lường trước được hậu quả.
Rồi nhiều kẻ
sang giàu, có tiền mà vẫn hám tiền, bao nhiêu cũng không đủ cho túi tham lam
không đáy của chúng. Trong văn học có biết bao Nghị Hách, Nghị Quế… giàu có mà
vẫn đè đầu cưỡi cổ dân lành để lấy tiền. Đến cả quan như lão Huyện Hinh mà cũng
lấy chân giấu đi, cướp trắng trợn đồng hào của bà lão đi kiện thì thật đáng sợ.
Ma lực của đồng tiền quá lớn đã kéo biết bao con người vào vòng xoáy của nó.
Nhiều lúc, tiền
bạc còn là thước đo tình cảm của con người:
“Còn bạc, còn tiền, còn đệ
tử
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Chỉ vì tranh
giành của cải mà anh em bất hòa. Chỉ vì thiếu thốn vợ chồng lục đục, cãi vã dẫn
đến li hôn. Nếu như sống trong xã hội không bị đồng tiền ngự trị, chắc chắn lão
Gô-ri-ô có một đám tang tốt hơn, không phải chịu cảnh không người thân, không
họ hàng. Chính sức cuốn hút quá lớn của đồng tiền mà nhiều người bị mê hoặc, bị
nô lệ. Đồng tiền trở thành ông chủ sai khiến con người làm điều tội lỗi.
Tóm lại, tiền bạc có vai trò quan
trọng đối với cuộc sống, có sức cuốn hút lớn đối với con người và không phải ai
cũng làm chủ được mình trước sức hút mãnh liệt của vòng xoáy ấy. Những con
người liêm chính, chí công vô tư sẽ không bao giờ vấp ngã trước đồng tiền.
Nhưng để trở thành con người như vậy thì mỗi cá nhân phải cố gắng phấn đấu, tu
dưỡng đạo đức. Đồng tiền như con dao hai lưỡi nhưng để tránh được mặt sắc nhọn
nguy hiểm thì phải tu dưỡng, phải từ con người mà ra. Hãy làm chủ đồng tiền,
đừng để nó làm chủ mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét