ĐỀ 67: Các Mác từng nhận
định: “Tình bạn chân chính là viên ngọc quý”. Hãy nêu cách giữ gìn tình bạn.
ÔN THI ĐẠI HỌC MÔN VĂN (SÁCH HAY)
ÔN THI ĐẠI HỌC MÔN VĂN (SÁCH HAY)
BÀI LÀM
Các Mác, người dẫn dắt, soi đường cho cách
mạng vô sản trên thế giới, từng nhận định về một khía cạnh rất cao đẹp trong
cuộc sống rằng: “Tình bạn chân thành
chính là viên ngọc quý”. Trong cuộc sống, nhiều người cũng đang sở hữu
những viên ngọc như thế. Nhưng để viên ngọc ấy mãi sáng đẹp thì con người thật
sự phải biết cách và hết sức cẩn thận. Tình bạn là quý giá và nó cũng cần được
nuôi dưỡng, chăm sóc bởi những chủ nhân của mình.
Tình bạn là sự kết
thân hoàn toàn tự nguyện dựa trên sự hiểu biết về tính tình, tình cảm, sở thích
của nhau trong quá trình học tập, công tác, sinh hoạt, vui chơi,… không phân
biệt tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội,... Hai đứa bé ngồi cùng bản, học cùng
trường là bạn bè, các đồng nghiệp trong công ti chính là những người bạn tốt,
những người ta tình cờ quen bên đường cũng có thể trở thành bạn,... Bạn bè có ở
mọi nơi, mọi thời khắc và dưới mọi hình thức. Đó là một trong những tình cảm
đáng quý, đáng trân trọng của nhân loại.
Cuộc sống có biết bao sắc màu tươi đẹp, màu lục đem đến sự
tươi vui, đầy sức sống; vàng thì hạnh, phúc, ấm áp; xanh lam thì yên ả, thanh
bình;... Còn tình bạn là sự hoà hợp của gắn bó, thân thiết, mang gam màu của cầu
vồng. Nhưng cũng có lúc nó mang dáng hình của những viên ngọc giản dị, màu sắc
thanh đạm. Tình bạn không chỉ đẹp để tô điểm cho đời, nó còn tồn tại giữa cuộc
đời như một nguồn sống, chỗ dựa, một động lực tinh thần cho con người. Tình bạn
đem đến một tiếng nói tri âm của lòng mình, một chỗ dựa vững chắc, một bàn tay
giúp đỡ sẻ chia trong cuộc sống: “Tình bạn là niềm vui tăng lên gấp đôi và nỗi
khổ giảm đi một nửa” (Ph. Bêcơn). Đặc biệt, cuộc sống sẽ
có ý nghĩa biết bao khi có một người bạn hiểu mình, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn
cùng mình trong nhịp sống hối hả. Cuộc sống có không ít người nghĩ sẽ không cần
đến bạn, sẽ luôn tự vượt qua mọi khó khăn, đau khổ, nhưng rồi cũng đến lúc phải
khát khao có một người ngồi bên cạnh để được sẻ chia những tâm tư thầm kín, lí
trí nhiều khi không thể cưỡng nổi được tình cảm. Bạn là người vừa thân tình,
vừa đáng kính trọng. Giữa con người hình thành nên một hình tượng tinh thần vừa
ấm áp, gần gũi, vừa thiêng liêng, đáng kính.
“Tình bạn chân chính là viên ngọc quý”, trên
đường tìm kiếm và sở hữu viên ngọc ấy, mỗi chúng ta đã trở thành lữ khách tốn
nhiều công sức. Và có khi đã có được, thì việc lau chùi, gìn giữ lại càng trở
lên quan trọng và mang nhiều thử thách. Để làm được điều đó không gì hữu hiệu
bằng “chiếc rương” tấm lòng với những “chiếc khăn” của sự chân thành, thẳng
thắn, biết tha thứ và biết vượt lên lòng tự ái.
Tình bạn vốn là một tình cảm tự nhiên và tự
nguyện. Tính chất của nó trên phương diện góc độ tình cảm cũng tương tự như
tình anh em ruột thịt, tình cảm gia đình. Vì thế, sự tồn tại và phát triển của
nó trước tiên gắn chặt với sự chân thành. Chân thành trong tình bạn là thật
lòng trong ứng xử, nghĩ suy cùng một niềm sẻ chia, gắn bó sâu sắc với bạn; tình
bạn chân thành được xây dựng không vì một lí do vật chất, vụ lợi; chỉ cần hiểu
nhau mà trở thành tri âm, có thể lắng nghe lòng bạn qua tiếng đàn như Bá Nha -
Tử Kì. Để duy trì được tình cảm, cũng giống như bao tình cảm khác của con
người, bạn bè cần sưởi ấm cho nhau bằng sự quan tâm, sẻ chia. Một ánh mắt lo
lắng khi bạn bè mất đi niềm tin, một lời an ủi khi bạn buồn khổ, một khoảng
lặng lắng nghe tâm sự khi bạn cần giãi bày và một bàn tay giúp đỡ khi bạn gặp
khó khăn,… Đơn giản mà sâu sắc đã tô đậm tình cảm, kết nối hai con người với
nhau.
Một người bạn tốt không phải là người dễ dàng bỏ qua mọi
lỗi lầm của chúng ta. Người bạn tốt còn là một người thân nghiêm khắc chỉ rõ
lỗi lầm, sai trái của ta. Sự thẳng thắn cũng là liều vitamin cần thiết mỗi ngày
cho tình bạn. “Chân thành và thẳng thắn là điều cần thiết để xây dựng và củng
cố mối quan hệ bạn bè của thanh niên” (Lê-nin). Khi đã trở thành bạn bè, chúng
ta quan tâm đến cuộc sống, nhân cách của nhau, vì thế ta không thể dửng dưng
trước sự sai trái của bạn bè bởi khi đó chính sự thỏa hiệp sẽ mang đến hậu quả
nghiêm trọng hơn sau này cho bạn bè. Và ngược lại, người khen ta chưa chắc là
bạn ta, người phê bình ta chưa chắc là kẻ thù của ta. Thế nên trong giờ kiểm
tra ta không nên ủng hộ hành vi gian lận của đứa bạn trong lớp; trước hành vi
tham ô của bạn đồng nghiệp ta phải kịp thời ngăn chặn, ta hãy luôn sẵn sàng
phản đối những trò nghịch ngợm của đứa bạn thân trong xóm,… Qua thử thách của
những lầm lạc và thẳng thắn, nghiêm khắc,
bạn bè lại càng hiểu nhau, thông cảm cho nhau. Điều đó đã thể hiện qua đôi bạn
chí tính chí nghĩa Lưu Bình - Dương Lễ. Lưu Bình không lo ăn học, mải vui chơi
nên thi rớt. Khi gặp lại người bạn thân Dương Lễ nay đã vinh quy bái tổ, thì
lại nhận được sự nghiêm khắc, thẳng thừng của bạn mà hổ thẹn quyết chí học tập.
Nói đến tình bạn, hẳn chúng ta không thể quên
câu chuyện “Cát và đá”. Câu chuyện
cho ta một bài học sâu sắc về sự tha thứ trong tình bạn. Trong câu chuyện người
bạn đã khắc những lỗi lầm của bạn trên cát để nó có thể phai đi nhờ gió, cát và
thời gian. Vậy, tình bạn cũng cần đến sự khoan dung, rộng lượng. Cuộc đời ai
không từng mắc phải lỗi lầm, bạn bè cũng vậy, nhưng nếu khi người đó thực sự
biết nhận lỗi, biết sửa sai thì chúng ta cũng phải biết bỏ qua những lỗi lầm
của bạn. Khi đứa bạn thân tỏ ý giảng hòa khi mắc lỗi thì một nụ cười sẽ xoa dịu
tất cả, làm sao ta có thể từ chối kèm cặp cho kẻ vẫn hay copy bài trong lớp khi
họ đã quyết tâm sửa chữa,… Sự chấp nhặt, cố chấp chỉ khiến ta dễ dàng mất đi
bạn bè, còn lòng khoan dung không chỉ xoa dịu vết rạn nứt trong tình cảm mà còn
xoa đi niềm ân hận, nuối tiếc sau này. Bạn bè cũng như gia đình, tại sao chúng
ta không cho những người thân của mình cơ hội để sửa chữa lỗi lầm và cho cả
chúng ta cơ hội để giữ gìn tình bạn.
Huy-gô đã từng nhận
định rằng: “Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn”. Xây dựng một tình bạn,
chúng ta đã vun trồng một chậu hoa thơm ngát. Lòng tự ái mà chúng ta vun bón
vào ấy sẽ khiến cho tình bạn không thể nở hoa mà trở nên héo úa. Chơi với bạn,
ta nhút nhát, lạnh nhạt vì không giỏi, không xinh, không tài bằng bạn. Lòng tự
ái cũng xuất phát từ sự kiêu căng, cố chấp, không biết nhận lỗi. Trước sự thẳng
thắn, thành thật của bạn lại cảm thấy như bị xúc phạm, không được bạn bè ủng
hộ. Có lúc ngấm ngầm, âm ỉ và có lúc nổi lên, sôi sục, sự tự ái đã đầu độc tình
cảm thân thiết, gắn bó với bạn bè. Và nguy cơ sụp đổ là không tránh khỏi. Chính
vì thế, khi đã kết giao với người khác, chúng ta cần vượt lên chính bản thân
mình, luôn cố gắng hòa đồng cùng bạn bè. Đó tuy là một thử thách gian nan nhưng
với một người bạn thực sự, không có gì có thể cản trở chúng ta.
Vẻ đẹp của viên
ngọc tình bạn sẽ “sưởi ấm” tâm hồn của mỗi con người, nâng đỡ chúng ta trên
những bậc thang cuộc đời lắm tiếng cười nhưng cũng đầy nước mắt này nếu mỗi
chúng ta biết tự tạo cho mình một “chiếc rương” để cất giữ tình bạn. “Chiếc
rương” không nạm ngọc quý, kim cương mà làm bằng sự chân thành, thẳng thắn,
khoan dung, biết vượt qua lòng tự ái. “Chiếc rương” không chỉ cất giữ một tình
cảm cao đẹp mà còn giúp ta chiến thắng bản thân, trưởng thành hơn trong cuộc
sống vốn đã có nhiều thách thức trong đời sống tình cảm.
“Tình bạn chân chính là viên ngọc quý”. Để giữ
gìn nó con người cần luôn cố gắng rèn luyện tâm hồn chân thành, thẳng thắn,
khoan dung và vượt qua lòng tự ái. Mỗi tình bạn chúng ta gìn giữ được sẽ trở
thành một bản nhạc tuyệt vời trong cuộc hòa âm bởi những tình cảm cao đẹp của
nhân loại.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét